Con nhà giàu dùng Internet giỏi hơn con nhà nghèo
HOA KỲ - Các học sinh ở trong các gia đình có lợi tức cao hơn thường có điểm cao hơn trong các kỳ thi đọc hiểu hơn là những bạn trong gia đình có lợi tức thấp hơn, một chiều hướng được biết từ lâu nay và được ghi nhận rõ ràng.
Tuy nhiên, với việc Internet đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, kết qủa một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy thêm một khoảng cách khác nữa, đó là việc các học sinh từ gia đình có lợi tức thấp không theo kịp học sinh từ gia đình có thu nhập cao về khả năng tìm kiếm, lượng định, phối hợp và trình bày trở lại các dữ kiện kiếm được trên mạng. Theo bản tin của nhật báo NYT.
Bản tin cho biết, cuộc nghiên cứu mới này, do Giáo Sư Donald J. Leu tại đại học University of Connecticut hướng dẫn, được đăng tải trên tạp chí giáo dục Reading Research Quarterly số ra tháng này.
Dù rằng kết quả nghiên cứu dựa trên một số học sinh giới hạn, điều này cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết sử dụng mạng trong các học sinh nói chung, xác định được một điều là trường học chưa có được khả năng cần thiết để giúp học sinh vận hành trong không gian bao la của dữ kiện số. Tuy rằng giới trẻ này có thể được coi là “chuyên gia” về texting, đưa hình lên Instagram hay cập nhật hóa các app của trang mạng xã hội, trong lúc cha mẹ chúng vẫn còn phải đánh vật với Facebook, những trẻ này vẫn chưa biết cách sử dụng Web để tìm ra các tin tức chính xác, đáng tin cậy.
Bản tin cho biết, cuộc nghiên cứu, vốn nhắm vào các học sinh lớp bảy thuộc hai trường ở tiểu bang Connecticut, so sánh điểm đọc hiểu của học sinh, cũng như từ các câu hỏi theo đó khiến học sinh phải tìm hiểu trên mạng các tin tức như “uống nước tăng sinh lực có tốt cho tim hay không?”
Các học sinh này được cho điểm về những điều như có tìm kiếm tin tức hữu hiệu dựa trên những từ ngữ chính yếu, có đánh giá được mức độ tin cậy của trang Web, lược bỏ ý kiến chủ quan của một tác giả và thông báo những tin tức có được qua email.
Các học sinh từ một trường trong cộng đồng mà mức lợi tức trung bình của một gia đình vào khoảng hơn $100,000 một năm, cho thấy có khả năng đọc tin tức online cao hơn tới cả một năm so với các học sinh từ những gia đình có lợi tức gần $60,000.
“Ðiều này cũng giống như so sánh giữa một khu giàu và một khu trung lưu,” theo giáo Sư Leu, người cho hay nhóm nghiên cứu của ông không được phép thu thập dữ kiện từ các trường thuộc khu nghèo trong tiểu bang. “Do đó, nhiều phần khoảng cách mà chúng tôi tìm thấy, sẽ cao hơn nếu mức khác biệt kinh tế lớn hơn.”
Vì càng ngày những hoạt động trong đời sống cũng như công việc làm càng tùy thuộc nhiều hơn vào khả năng lọc lựa vô số tin tức trên mạng qua các dạng như văn bản, video, hình ảnh và trang mạng xã hội, khả năng của một học sinh có thể tìm kiếm chính xác và lượng định tin tức trên web lại càng quan trọng hơn cho sự thành công.
Tuy nhiên, hiện có rất ít nhà giáo đưa vấn đề hiểu biết sử dụng kỹ thuật số vào chương trình dạy học của họ. Bởi vì có quá nhiều người dùng Internet cho việc giải trí, họ có thể không nhận ra rằng đây cũng là một phương tiện giáo dục tốt, theo một số chuyên gia. Họ cũng có thể không biết rằng có nhiều học sinh của họ cần sự hướng dẫn.
“Các nhà giáo phải trông đợi và nhận ra rằng họ không chỉ nói với học sinh rằng 'cứ Google là có' vì một số học sinh của chúng ta vẫn không biết điều này là gì - một điều khó tin nhưng có thật,” theo Susan B. Neuman, một giáo sư ở đại học New York University, đồng chủ biên tạp chí Reading Research Quarterly.
Ông James Damico, một giáo sư ngành giáo dục văn chương, văn hóa và ngôn ngữ tại đại học Indiana University, cho hay các nhà giáo thường cho rằng vì giới thiếu niên có vẻ quá thông thạo kỹ thuật số, họ thật sự biết cách sử dụng kỹ thuật này trong lãnh vực học hành.
“Chúng ta không thể lầm lẫn cách sử dụng mạng với khả năng lượng định và phê bình,” Giáo Sư Damico cho hay.
(L.T.)/Người Việt
0 nhận xét :
Đăng nhận xét